Cụm từ “chuyển đổi số” đang được xuất hiện mọi nơi. Nó chủ yếu nói về sự thay đổi của bối cảnh kinh doanh, có vẻ như nếu công cuộc chuyển đổi số diễn ra rộng rãi, nó có thể thay đổi hoàn toàn diện mạo của các ngành công nghiệp tại Việt Nam. Hiện nay, nước ta đang rất xem trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào vận hành, sản xuất và kinh doanh, nó được coi là một công cụ quan trọng để thay đổi tư duy và cách làm việc và thói quen mua bán, kinh doanh của toàn ngành và cả người dân. Vậy chính xác chuyển đổi số là gì và nó ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của doanh nghiệp?

“Chuyển đổi số” đối với doanh nghiệp chính xác là gì?

Chuyển đổi số được định nghĩa là sự chuyển đổi sâu sắc cách thức hoạt động kinh doanh, sản xuất, quy trình và mô hình của doanh nghiệp. Nhằm tăng tốc sự phát triển của toàn xã hội một cách có chiến lược trong tương lai. Hơn nữa, việc chuyển đổi số có thể thay đổi suy nghĩ, thói quen của xã hội trong việc giao dịch, mua bán và làm việc.

Chuyển đổi số có thể là một trong những thách thức trong việc thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Không nhiều các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp tại Việt Nam thực sự hiểu những lợi ích của việc áp dụng khoa học công nghệ vào doanh nghiệp mình. Sự thay đổi kỹ thuật số có thể được so sánh với việc phát minh Internet. Mọi mô hình kinh doanh đều có thể áp dụng kỹ thuật số và trong thời gian này, các doanh nghiệp cần tìm ra một hướng đi chiến lược cũng như những mô hình phù hợp để có thể áp dụng một cách triệt để những lợi ích mà các sản phẩm công nghệ mang lại.

Để cuộc “chuyển đổi số” diễn ra thành công, doanh nghiệp cần chú trọng điều gì?

1. Yếu tố con người

Chuyển đổi số tuy là sự chuyển đổi mang tính công nghệ nhưng nó liên quan chủ yếu đến con người – nòng cốt của mỗi doanh nghiệp. Trước khi doanh nghiệp hay một tổ chức có thể số hóa, con người cần phải được thay đổi. Tuy nhiên, thay đổi chưa bao giờ là điều dễ dàng dù là bất kỳ vị trí hay loại hình kinh doanh nào. Mỗi người cần một khoản thời gian để trải qua những đánh giá cá nhân trước khi sẵn sàng cùng doanh nghiệp thay đổi. Họ cần biết những thay đổi sẽ mang lại rủi ro, ảnh hưởng đến họ như thế nào. Đôi khi có thể lo lắng về việc họ có thể thực hiện được hay không, có làm tốt được hay không. Bên cạnh đó, một vài người đã nghĩ đến việc xin nghỉ việc và tìm kiếm một công ty khác vì lo sợ không thích hợp được với các sản phẩm công nghệ.  

Do đó, để bắt đầu số hóa các quy trình quản lý, vận hành, doanh nghiệp cần phổ biến về vai trò của các sản phẩm công nghệ đem lại tới mỗi người và vai trò mọi người sẽ gánh vác trong quá trình đó. Những ai nên tham gia, những người chịu trách nhiệm, những người cần được đào tạo để phù hợp với quy trình và làm cách nào để hợp tác với nhau để tạo ra sự thay đổi trong cách làm việc.

Phân bổ nguồn lực phù hợp cũng là một nhiệm vụ quan trọng khi áp dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Người lãnh đạo cần nhìn nhận những cá nhân có năng lực và sử dụng nguồn nhân lực này cho phù hợp bằng cách gửi đi đào tạo hay mời các chuyên gia bên ngoài để tăng tốc việc làm quen với mô hình mới.

Khi giải quyết được yếu tố con người và xác định rõ vai trò của mỗi thành viên trong doanh nghiệp, chắc chắn việc áp dụng thành công khoa học công nghệ vào doanh nghiệp sẽ thành công 70%. Nếu không sử dụng đúng người vào đúng nhiệm vụ, chuyển đổi số sẽ vẫn chỉ là một sáng kiến không có tính khả thi.

2. Yếu tố về sản phẩm

Sau khi doanh nghiệp giải quyết được các vấn đề liên quan đến nhân sự, điều đáng quan tâm tiếp theo đó là về sản phẩm. Chuyển đổi số tuy không trực tiếp mang đến một sản phẩm tốt hơn, nhưng nó giúp doanh nghiệp tiếp nhận phản hồi của thị trường một cách nhanh nhất, từ đó doanh nghiệp sẽ nắm bắt được những tác động và các ý kiến trải nghiệm xung quanh nó. Sản phẩm của doanh nghiệp phát triển như thế nào, được đón nhận đến đâu hay có bắt kịp xu hướng của thị trường hay không sẽ phụ thuộc vào các ý kiến này, do đó, quá trình chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp kết nối với người dùng một cách nhanh chóng và chính xác.

Nhanh chóng cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp hiện nay. Để phù hợp với thị trường không ngừng phát triển, doanh nghiệp cần lưu ý việc cải tiến sản phẩm hay tạo ra các sản phẩm mới để tránh việc tụt hậu đối với các đối thủ cạnh tranh. Vậy làm sao để đo lường thị hiếu thị trường? Làm sao để biết được các mặt hàng đang “hot” hay đang là xu hướng được người tiêu dùng yêu thích?

Việc tiếp cận công nghệ số không chỉ giúp nhanh chóng thu về dữ liệu về những tác động xung quanh sản phẩm, mà nó còn mang khách hàng đến gần với doanh nghiệp hơn. Bằng cách chạm đến những mong muốn của khách hàng và thị trường, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thậm chí có thể tạo ra xu hướng. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa nhà phân phối với người tiêu dùng qua các mạng xã hội hiện đã thuận lợi hơn rất nhiều. Lợi thế nữa của chuyển đổi số đó là nhà phân phối có thể giảm tối đa chi phí vận hành hay không cần mở nhiều mặt bằng kinh doanh mà vẫn mở rộng được thị trường, từ đó cắt giảm được nhiều chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện được đánh giá là đang làm thay đổi nền sản xuất và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tiếp cận những thành tựu mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn. Tận dụng các cơ hội nâng cao sản xuất, sáng tạo, đổi mới các sản phẩm và dịch vụ để tiết kiệm chi phí và tăng sức cạnh tranh trên thị trường

3. Yếu tố quy trình

Về bản chất, chuyển đổi số bao gồm nhiều quy trình, phương thức xử lý thông minh giúp doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ hơn với khách hàng, tùy chỉnh và thay đổi sản phẩm, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động của nhân viên và sản xuất qua các ứng dụng công nghệ, đồng thời tạo ra các mô hình kinh doanh mới và phương thức quản lý mới

Tuy nhiên áp dụng thành công chuyển đổi số trong doanh nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Nó sẽ không diễn ra trong một tích tắc mà nó là một quá trình đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều phía và khi một doanh nghiệp muốn áp dụng công nghệ số, một quy trình hợp lý cũng cần được nghiên cứu và thực hiện.

Mỗi ngành công nghiệp, dịch vụ có một đặc thù riêng, nên không dễ dàng định nghĩa một quy tắc chung nào. Nhưng khi nghiên cứu những thành tựu đạt được ở những tổ chức doanh nghiệp trên thế giới đã áp dụng thành công, có thể xác định một số vấn đề cần chú trọng như:

Thu thập dữ liệu, đánh giá

 

Dữ liệu chính là tài sản có giá trị lớn của doanh nghiệp hay các tổ chức mọi quy mô. Các công nghệ luôn được nhắc đến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đều xoay quanh các vấn đề như Analytics, Big Data, Blockchain hay IoT. Trong đó, IoT dùng để thu thập dữ liệu, Big Data, AI cần dữ liệu để xử lý, phân loại và các công cụ Analytics để phân tích dữ liệu hỗ trợ những quyết định sử dụng. Chất lượng của những dữ liệu này rất quan trọng, sử dụng nguồn dữ liệu kém chất lượng tạo ra những phân tích, dự báo sai hay lãng phí tài nguyên công nghệ.

Lựa chọn những giải pháp phù hợp

Quá trình chuyển đổi số là quá trình diễn ra liên tục ( thu thập dữ liệu, phân tích, cải tiến dựa trên dữ liệu thu thập sau đó lại tiếp tục thu thập và phân tích…) Và việc chuyển đổi số có thể áp dụng trong từng phòng ban, những bộ phận nhỏ của tổ chức, doanh nghiệp. Và việc lựa chọn sử dụng đúng ứng dụng cho từng bộ phận này sẽ giúp rút ngắn thời gian thử nghiệm và đưa vào vận hành chính thức không gặp nhiều khó khăn, giảm thiệt hại khi mắc sai lầm. Việc tiếp cận số hóa một cách hợp lý và đúng quy trình sẽ tránh việc gây “sốc” đến các quy trình và người vận hành quy trình truyền thống.

Thay đổi nguồn nhân lực để thích nghi với bối cảnh mới

Cuộc cách mạng công nghệ số chắc chắn sẽ gặp phải những phản đối và khó chịu từ những người đang làm việc theo phương pháp truyền thống. Bởi họ cho rằng công nghệ sẽ làm thay đổi một số công việc và đe dọa đến công ăn việc làm của họ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể giúp nhân viên thích ứng với quy trình làm việc mới, việc chuyển đổi kỹ năng và tay nghề sẽ tạo thêm giá trị cho doanh nghiệp thay vì cắt giảm nhân lực.

Các ứng dụng công nghệ số như thương mại điện tử, trang web, ứng dụng di động, nền tảng đám mây, các phương thức tiếp thị, truyền thông online đang dần bao phủ khắp nơi. Khi tham gia các ứng dụng công nghệ số này, doanh nghiệp cần kịp thời tiếp cận và thu thập dữ liệu khách hàng và thông tin trải nghiệm khách hàng nhanh chóng. Khi chú trọng đủ 3 yếu tố trên, doanh nghiệp bạn chắc chắn sẽ đưa doanh nghiệp mình hướng tới kỷ nguyên số và tạo nên chỗ đứng cho doanh nghiệp để cạnh tranh với thị trường khốc liệt.

 

Được xuất bản vào / Danh mục: Tin tức /

Đăng ký bản tin

Nhận những kinh nghiệm và chia sẻ trong cách quản lý công việc hiệu quả từ cộng đồng S24 hằng ngày

Xem thêm Điều khoản chính sách tại đây.